Hướng dẫn cách sử dụng máy hàn TIG

Admin
Ngày đăng:
03-09-2020

Máy hàn TIG là gì?

Máy hàn TIG là một loại máy hàn thuộc dòng hàn hồ quang bằng điện cực Wolfram trong môi trường có khí trơ. Mối hàn được khí trơ bảo vệ để tránh khỏi sự xâm nhập của không khí bên ngoài. Kim loại nóng chảy được là nhờ nhiệt lượng do hồ quang tạo ra giữa điện cực Wolfram và vật hàn.

Xem thêm: Máy biến thế hàn là gì?

Phân loại máy hàn TIG - có những loại máy hàn nào?

Máy hàn TIG thường được phân loại theo dòng điện sử dụng, có 2 loại là máy hàn TIG một chiều và máy hàn TIG xoay chiều. Các máy hàn đều được thiết kế riêng cho từng mục đích khác nhau tùy thuộc vào vật liệu hàn và những đặc tính hồ quang cần có.

hướng dẫn cách sử dụng máy hàn tig

Máy hàn TIG một chiều: Đối với dòng một chiều sẽ có hai kiểu đấu dây, đó là phân cực thuận và phân cực nghịch (theo quy ước hàn hồ quang).

  • Tuy nhiên, phân cực nghịch ít được dùng trong hàn TIG do kiểu đấu dây này gây nhược điểm là hồ quang không ổn định, chiều sâu kém và chóng mòn điện cực. Bên cạnh đó thì sử dụng dòng điện 1 chiều phân cực nghịch này cũng tạo nên một ưu điểm lớn nhất đó là tác động làm sạch lớp oxit trên bề mặt vật liệu, phù hợp với hàn các kim loại dễ bị oxy hóa như là nhôm và magie.
  • Khác với dòng điện một chiều phân cực nghịch thì máy hàn TIG một chiều phân cực thuận tạo hồ quang ổn định, chiều sâu thấu tốt hơn so với phân cực nghịch, dẫn đến mối hàn ít bị ứng suất cũng như ít biến dạng hơn. Cũng chính vì ưu điểm lớn đó nên các hãng sản xuất thường chế tác dòng điện một chiều phân cực thuận hơn. Máy hàn TIG một chiều phân cực nghịch cũng có nhưng với số lượng hạn chế, nên khó tìm kiếm dòng máy kiểu này.

Máy hàn TIG xoay chiều: Là sự kết hợp của cả phân cực thuận và phân cực nghịch. Do đó, vào nửa chu kì phân cực nghịch, nó cũng giúp tẩy bỏ lớp oxit ở trên bề mặt. Vì thế, khi hàn những kim loại như nhôm, magie, và đồng thanh berili thường ưu tiên dùng dòng AC hơn dòng DC phân cực nghịch vì đối với những kim loại này, việc tẩy bỏ oxit ở bề mặt đóng vai trò rất quan trọng để thu được các mối hàn sạch và đẹp.

Một số hướng dẫn khi sử dụng máy hàn TIG bạn cần biết:

Hướng dẫn cách sử dụng máy hàn TIG

1. Xác định vật liệu cần hàn để lựa chọn que hàn.

Xác định vật liệu tức là vật mình cần hàn bằng chất liệu gì: nhôm, sắt hay thép. Mỗi loại vật liệu sẽ có loại que hàn tương ứng. Thường trên thị trường hiện nay bán hai loại đũa hàn chính là loại dành cho hàn nhôm có sơn màu xanh lá cây trên thân mũi hàn. Loại thứ hai dùng cho hàn các loại vật liệu còn lại như sắt, thép, trên đầu đũa hàn có sơn màu đỏ. 

Cần căn cứ vào mục đích sử dụng khác nhau mà lựa chọn đũa hàn phù hợp.

2. Điều chỉnh dòng hàn phù hợp.

Bất kỳ máy hàn Tig nào cũng có 3 thông số sau đây cần được điều chỉnh:

Dòng điện hồ quang.

Lưu lượng khí bảo vệ.

Lưu lượng khí làm mát 

Các thông số này phải được điều khiển độc lập bằng bản điều khiển lắp trên máy hoặc bộ điều khiển từ xa.

Các thông số này được điều chỉnh trước khi bật máy.

3. Kiểm tra các phụ kiện nối với máy hàn TIG.

Trong máy hàn Tig có rất nhiều mối nối dùng để nối máy hàn Tig với thiết bị cung cấp và với mỏ hàn. 

Một số quy tắc cần phải lưu ý khi nối thiết bị hàn TIG:

Nối van giảm áp và lưu lượng kế đo khí bảo vệ thực hiện giống như ta nối van giảm áp trong hàn khí.

Chỉ thực hiện nối thiết bị khi bảo đảm máy đã tắt (tốt nhất là ngắt điện khỏi máy) và các van được đóng hoàn toàn.

Đảm bảo tất cả các mối nối điện phải sạch và kín. 

Bố trí cáp dẫn ở vị trí tránh tia lửa hồ quang và không vướng đường đi của thợ hàn.

Xem thêm: Kinh nghiệm chọn máy hàn điện tử Mini cho gia đình

Các bước trên phải được kiểm tra lại ít nhất 2 lần.

4. Các thao tác cơ bản trước khi thực hiện hàn.

Mỏ hàn phải được đặt cách xa vật hàn để chúng không phát hồ quang khi bạn chưa sẵn sàng hàn.

Mở van nước làm máy.

Để tránh làm hỏng van giảm áp, nên mở từ từ van khí.

Cầm mỏ hàn trong tay rồi mới bật máy.

Khi máy hàn đã bật, kiểm tra lại đường nước trở về để chắc chắn là nước làm mát đã chảy.

Kiểm tra lại luồng khí Argon bằng cách bật/tắt van khí.

Sau khi mở van khí, điều chỉnh lưu lượng theo như nhu cầu sử dụng.

Khi đã hoàn thành các bước trên, có thể bắt đầu hàn.

5. Thực hiện hàn.

Sau khi chuẩn bị các bước trên, ta có thể bắt đầu gây hồ quang và hàn.

Thông thường có 3 phương pháp gây hồ quang sau:

+ Quẹt (Bằng cách quẹt đầu điện cực vào vật hàn để gây hồ quang). Đây là phương pháp được sử dụng từ lâu và hạn chế là dễ gây thủng khi gây hồ quang trên kim loại mỏng.

+ Phương pháp chạm/nhấc. Thao tác thực hiện: Khi chạm điện cực xuống thì bấm công tắc, nhấc lên sẽ taooj hồ quang. Phương pháp này khó hơn mồi hồ quang bằng cách quẹt.

+ Mồi hồ quang bằng phương pháp cao tần. Đây là phương pháp dùng tần số cao để tạo ra điện áp khoảng 4.5-6kv. Sau khi đánh lửa thì dòng hồ quang chính sẽ được duy trì và tắt dòng hồ quang phụ.

6. Tắt thiết bị sau khi hàn xong.

Người thợ hàn phải nắm rõ quy cách tắt máy an toàn sau khi hàn xong:

Đặt mỏ hàn vào vị trí an toàn.

Đóng chặt van khí bảo vệ trên chai khí.

Tắt nguồn hệ thống nước làm mát.

Để nước thoát hết ra ngoài bằng cách mở van nước trên máy .

Ngắt nguồn hoặc tắt công tắt trên máy để tắt máy hàn.

Trên đây là một số thông tin cũng như hướng dẫn sử dụng máy hàn TIG mà các bạn chú ý. Nếu như cần hỗ trợ và hướng dẫn thêm nội dung nào, hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ và giải đáp nhé.

Bình luận

Loading